Hợp pháp hóa dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu




Khác với tinh thần Nghị quyết của Quốc hội

Điều đáng chú ý đầu tiên trong dự thảo luật này là điều 28 về biện pháp hỗ trợ TCTD yếu kém được mua bắt buộc. Theo đó, TCTD yếu kém bị mua bắt buộc có thể được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ, hoặc Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%.

Việc tái cơ cấu các TCTD yếu kém, bao gồm hình thức mua bắt buộc có liên quan mật thiết đến, hay chính xác là bắt nguồn từ việc chúng có quá nhiều nợ xấu. Bởi vậy, tái cơ cấu TCTD yếu kém cũng có nghĩa là giải quyết nợ xấu. Trên khía cạnh này, dự thảo là văn bản luật đầu tiên (nếu được thông qua) chính thức chấp nhận, hợp pháp hóa (một cách gián tiếp) việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu - một chủ đề gây nhiều tranh luận trái chiều trong suốt nhiều tháng qua. Bằng văn bản luật này, việc nên hay không nên, được hay không được dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu đã được trả lời.

Có điều, cho đến nay, lý do và tính cần thiết của việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng, và/hoặc được đề xuất một cách chính thức và rõ ràng bởi các cơ quan có thẩm quyền. Nếu có thì cùng lắm mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất dùng ngân sách để xử lý nợ xấu trong kế hoạch tái cơ cấu của, ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, theo đó ngân sách nhà nước được thay bằng khái niệm khá mập mờ là “nguồn lực nhà nước”. Trong tờ trình dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, NHNN cũng không có một dòng nào giải thích, làm rõ vấn đề này.

Trong khi đó, nghị quyết về Kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua tháng 11 năm ngoái đã nêu rõ: “Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế”.



NHNN có thể biện minh rằng TCTD bị mua lại bắt buộc tức là đã thuộc sở hữu nhà nước (thành DNNN) nên việc Chính phủ cấp vốn hay cho TCTD này vay dài hạn với lãi suất 0% từ nguồn vốn ngân sách là đúng đắn và hợp lý. Nhưng lập luận này sai vì nghị quyết của Quốc hội được trích dẫn ở trên đã quy định rõ không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu cho cả DNNN. Và lập luận này cũng sai ở chỗ TCTD cũng có thể bị mua bắt buộc bởi TCTD khác mà không nhất thiết phải là NHNN, nên không nhất thiết TCTD bị mua bắt buộc sẽ trở thành DNNN sau khi bị mua bắt buộc.

Miễn trừ trách nhiệm không hợp lý

Ngoài bất cập trên, dự thảo còn một số quy định chưa rõ ràng, không hợp lý.

Điều 6 của dự thảo luật về miễn trừ trách nhiệm quy định: “Khi tham gia xử lý TCTD yếu kém, cán bộ, công chức NHNN, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, nhân sự của TCTD được NHNN chỉ định tham gia hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện các phương án xử lý TCTD yếu kém”.

Quy định trên là không hợp lý với những trường hợp, ví dụ, những người tham gia xử lý TCTD yếu kém có động cơ cá nhân, vụ lợi, hoặc vì một lý do chủ quan nào đó không thực hiện công tâm, đúng và tốt trách nhiệm của mình trong quá trình xử lý TCTD. Do không thể khẳng định hoàn toàn không có khả năng xảy ra những trường hợp này nên quy định này cần được bổ sung các điều kiện nhất định để người tham gia xử lý TCTD yếu kém được hưởng quyền miễn trừ này.

Những quy định khác

Khoản 2, điều 7 của dự thảo luật quy định NHNN xác định TCTD yếu kém thông qua ba kênh khác nhau, trong đó không có kênh từ chính TCTD yếu kém. Lưu ý là tại khoản 1 cũng của điều 7 quy định: “Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, TCTD phải kịp thời báo cáo với NHNN về thực trạng, nguyên nhân...”. Theo khoản 2 này thì dù TCTD có kịp thời báo cáo tình trạng yếu kém của mình, phải chăng vẫn có khả năng NHNN không xác định TCTD đó là yếu kém mà cứ nhất thiết phải đợi xác định qua một, hai hoặc cả ba kênh như quy định?

Khoản 3, điều 7 có nêu trường hợp TCTD bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi: “Có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bao gồm cả trường hợp nợ không có khả năng thu hồi hoặc mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) vi phạm pháp luật”. Khả năng thanh toán và khả năng thu hồi nợ là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn, không thể gộp chúng vào như hiện tại trong dự thảo qua từ “bao gồm”. Tương tự như vậy là mối liên hệ giữa nguy cơ mất khả năng thanh toán với mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, hoặc người đứng đầu TCTD phạm pháp.

Điều 10 dự thảo luật về thẩm quyền của NHNN đối với TCTD yếu kém quy định trong trường hợp cần thiết, NHNN cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản chi trả cho người gửi tiền là cá nhân. Tuy nhiên, quy định như vậy là quá hạn hẹp vì tiền từ cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt còn cần để giải quyết các nghĩa vụ nợ khác rất cấp bách và chính đáng, với chủ nợ không phải là người gửi tiền cá nhân, ví dụ thậm chí là nhà thầu cung ứng vật tư, máy móc chuyên dụng mà TCTD còn nợ đọng vì mất khả năng chi trả.

Bởi lẽ, việc rót vốn của NHNN là để cứu TCTD khỏi phá sản, mất khả năng chi trả, thanh toán. Nếu nhà thầu cung cấp bị nợ đọng khởi kiện TCTD và tòa án công nhận quyền lợi của nhà thầu thì TCTD yếu kém và gián tiếp là NHNN hoặc TCTD đứng ra xử lý TCTD yếu kém sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán, nếu không muốn TCTD yếu kém bị tuyên bố phá sản.

Điều 20 dự thảo luật về các biện pháp hỗ trợ tài chính có quy định rằng TCTD yếu kém được bán nợ xấu không đủ điều kiện cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Nhưng vì VAMC hầu như chỉ thanh toán cho TCTD yếu kém bằng trái phiếu đặc biệt dùng để chiết khấu tại NHNN để lấy “tiền tươi” nên nếu dự thảo không quy định NHNN phải chiết khấu trái phiếu đặc biệt và NHNN không (muốn) làm như vậy thì rốt cuộc TCTD yếu kém cũng không có nguồn tài chính thật, bổ sung cho hoạt động của mình.

Điều 28, về điều kiện mua bắt buộc TCTD yếu kém, có điều kiện là có TCTD đề xuất mua. Dự thảo luật đã không có quy định để xử lý trường hợp có hơn một TCTD đề xuất mua. Hơn nữa, vì dự thảo luật không có quy định bắt buộc TCTD yếu kém hoặc NHNN phải công khai tình trạng yếu kém của TCTD nên không tránh được trường hợp chỉ có những TCTD “thân thiết” với NHNN mới được “rỉ tai” về tình trạng này và được bật đèn xanh cho việc mua bắt buộc.



Điều 36 về biện pháp hỗ trợ đối với TCTD được chỉ định tham gia xử lý TCTD yếu kém, dự thảo luật mới chỉ nêu những biện pháp giúp không làm thiệt hại, hoặc giảm thiểu thiệt hại cho TCTD được chỉ định chứ chưa có những biện pháp rõ ràng giúp làm lợi cho TCTD được chỉ định để họ có động lực tích cực “xoắn tay” vào xử lý TCTD yếu kém thay vì miễn cưỡng chấp hành lệnh của NHNN.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét